Chỉ đạo Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam

Việt Nam đã đặt việc phát triển kinh tế lên hàng đầu và chỉ duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng một cách nhỏ giọt. Việt Nam không tiến hành các đợt mua sắm hay nâng cấp vũ khí lớn. Phải tới tận cuối những năm 1990, Chính phủ Việt Nam mới công bố một loạt các chương trình mua sắm các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại. Theo đó, Việt Nam chậm rãi phát triển hải quânkhông quân để kiểm soát các vùng nước nông và vùng đặc quyền kinh tế.

Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có nguồn gốc từ nhân dân, có mục tiêu là chiến đấu vì nhân dân sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Do đó, tất cả quá trình chiến đấu, làm việc phải thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Quân đội phải tham gia xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho các tầng lớp nhân dân. Quân đội phải biết tận dụng mọi tiềm năng lao động, đất đai, kỹ thuật... để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn sản phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống bộ đội.[3] Phương châm thực hiện là xây dựng Quân đội là một lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng...[4] Theo đó, Cách mạng là sự giác ngộ chính trị của quân đội và là nền tảng để tạo ra tính chính quy, tinh nhuệ và tiến lên hiện đại. Trong đó, Quân đội phải có bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc cho quân đội; đoàn kết nội bộ; đoàn kết quân dân; đoàn kết quốc tế, sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế chính nghĩa để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, đóng góp vào hòa bình quốc tế; có tính nhân văn, lòng nhân đạo khi đối xử với quân đội đối phương; thực hiện nghiểm chỉnh chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh quân đội; hiểu rõ, hiểu đúng lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử Quân đội. Chính quy là thống nhất về biên chế, về trang bị, thống nhất về huấn luyện và kỷ luật. Tinh nhuệ là liên tục bồi đắp kinh nghiệm chiến đấu, tổ chức lực lượng thông qua huấn luyện, tác chiến thực tế và có tính khoa học. Từng bước hiện đại là có kỹ thuật, vũ khí hiện đại, phải có giao thông và phương tiện giao thông hiện đại, phải có một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại và phải có những cán bộ, chiến sĩ có tri thức quân sự hiện đại và được huấn luyện chính quy với lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển khoa học và công nghệ và nền kinh tế của đất nước nhưng không được quá tụt hậu.[5]

Hầu hết các chương trình mua sắm quốc phòng chủ yếu được thực hiện để đảm bảo ưu tiên này. Ví dụ, Việt Nam đã mua một số máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng tác chiến khá cao. Việt Nam cũng lên kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng với ưu tiên cho hải quân, có sự kết hợp với các đồng minh xã hội chủ nghĩa cũ và Ấn Độ.

Năm 1994, Việt Nam và Nga đã thống nhất một hợp đồng mua sắm vũ khí lớn, thắt chặt hợp tác quốc phòng theo một Hiệp định được ký tháng 10 năm 1998 và công bố trở thành "Đối tác chiến lược" năm 2003. Thỏa thuận năm 1998 đã thiết lập một khung chương trình, theo đó Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ và bán vũ khí trang bị cho Việt Nam. Quan hệ quốc phòng giữa 2 nước được đưa lên một tầm cao mới nhân dịp Tổng thống Nga Putin sang thăm Việt Nam trong tháng 2/tháng 3 năm 2001. Trong chuyến thăm này, 2 bên đã ký Hiệp định thắt chặt quan hệ quốc phòng đáp ứng được yêu cầu an ninh quốc phòng của Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 9 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố Việt Nam là đối tác chiến lược của Nga ở Đông Nam Á.

Năm 2001, Việt Nam đã cho ra đời "Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang thế kỷ mới", đề xuất thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng lục quân, hải quân và không quân, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo hiện đại hóa phòng không không quân và hải quân, đồng thời lắp đặt các loại trang thiết bị cảnh báo, trinh sát, chỉ huy, cơ động và đảm bảo cung cấp hậu cần. Sách Trắng Quốc phòng năm 2009 của Việt Nam cũng nhiều lần nhấn mạnh phải xây dựng quân đội hiện đại hóa có trang bị vũ khí tiên tiến, trong khi tự nghiên cứu chế tạo, liên hợp sản xuất trang thiết bị, đồng thời mua sắm khối lượng lớn vũ khí trang thiết bị tiên tiến của nước ngoài, nâng cao tính năng vũ khí trang thiết bị của bản thân, trong đó mua sắm vũ khí trang thiết bị cho hải quân và phòng không không quân đã chiếm tỉ lệ rất lớn. Tuy nhiên do ngân sách quốc phòng hạn chế so với nhu cầu hiện đại hóa nên tốc độ hiện đại hóa trang bị, vũ khí của quân đội Việt Nam nhìn chung còn chậm. Trong dài hạn đây sẽ là thách thức lớn đối với quân đội Việt Nam khi các vũ khí do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ và thu được từ Việt Nam Cộng hòa đều đã hết hạn sử dụng trong khi tốc độ mua sắm và chế tạo vũ khí mới không đáp ứng được nhu cầu thay thế vũ khí cũ.

Trong một lần đến thăm Mỹ trước đây, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng yêu cầu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb sau buổi họp báo ở Hà Nội cho hay Mỹ đang cân nhắc có thể gỡ lệnh cấm vận vũ khí kỹ thuật quân sự cho Việt Nam[6]. Trong cuộc viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới Vịnh Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 6 năm 2012, ông Phùng Quang Thanh và ông Leon Panetta cũng đã thảo luận về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ cho Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết thì nếu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thì Việt Nam sẽ mua các thiết bị nâng cấp, bảo quản cho các vũ khí mà Quân đội nhân dân Việt Nam thu được sau chiến tranh và sau đó sẽ nghĩ tới các vũ khí phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa Quân đội Việt Nam có giá cả cạnh tranh [7]. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam vì vũ khí của Mỹ được cho có công nghệ cực kỳ tối tân và hiện nay họ chỉ có thể mua trực thăng của phương tây nhằm phục vụ cho việc cứu hộ cứu nạn. Việt Nam còn muốn nâng cấp xe thiết giáp M-113 và trực thăng UH-1 - những vũ khí mà Việt Nam thu lại sau chiến tranh còn khả năng hoạt động rất tốt.

Với sự phát triển kinh tế trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đang dần đầu tư mạnh và hiện đại hóa quân đội. Hiện đại hóa quân đội là tư tưởng chỉ đạo qua hai khóa Đại hội Đảng năm 2001-2006, 2006-2011. Từ năm 2012 đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành một trong 3 nước nhập khẩu vũ khí của Nga nhiều nhất. Là một thành viên của ASEAN, thực lực quân sự của Việt Nam được các nước trong ASEAN rất coi trọng. Hiện nay, trình độ trang bị công nghệ cao của Quân đội Việt Nam chưa được hoàn thiện, nhưng phân tích kỹ thì trong Hải, Lục, Không quân Việt Nam vẫn có một số vũ khí "vượt trội", hơn nữa với kinh nghiệm của mình trong các cuộc chiến tranh đã trải qua, Việt Nam được đánh giá là có lực lượng quân đội thiện chiến nhất trong khu vực, có thể hành động hiệu quả khi xung đột vũ trang xảy ra.[8]. Tới năm 2016, quan hệ quân sự Việt-Mỹ thực sự được bình thường hóa khi phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam http://www.vietnamdefence.com/Home/tintuc/Viet-Nam... http://www.youtube.com/watch?v=hMD_zk0FJe4 http://vnexpress.net/tong-thuat/thoi-su/my-do-bo-h... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://anninhthudo.vn/quan-su/infographic-viet-nam... http://baodatviet.vn/anh-nong/sonar-sieu-manh-giup... http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-na... http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-na... http://baoninhthuan.com.vn/news/71510p0c154/viet-n... http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/May-bay-sieu-n...